33 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
spot_img
Trang chủSức khỏe và đời sốngPhương pháp phòng bệnhBệnh sán lá ruột: nguyên nhân và cách điều trị
spot_img

Bệnh sán lá ruột: nguyên nhân và cách điều trị

Danh mục bài viết

Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột chủ yếu phát hiện ở lợn (thường gọi là sán hạt hồng), người mắc bệnh hầu hết thuộc những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc. Nguồn lây truyền ở người bao gồm cá, các loài tôm cua (giáp xác) và thực vật thủy sinh.

Bệnh sán lá ruột: nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh sán lá ruột: nguyên nhân và cách điều trị

1. Đại cương
– Bệnh sán lá ruột thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
– Sán lá ruột là những ký sinh trùng dẹt, lưỡng tính có kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Có khoảng 70 loài sán lá ký sinh trong đường ruột của người.
– Phân bố địa lý của bệnh trên toàn thế giới nhưng tỷ lệ hiện mắc cao nhất vẫn ở Đông Á và Đông Nam Á.
– Ở Mỹ có thể có những trường hợp bệnh nhập khẩu, hoặc do nguồn lây tại chỗ, thường gặp là các loài NanophyetusAlaria, and Heterophyes [1].
– Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột chủ yếu phát hiện ở lợn (thường gọi là sán hạt hồng), người mắc bệnh hầu hết thuộc những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc. Nguồn lây truyền ở người bao gồm cá, các loài tôm cua (giáp xác) và thực vật thủy sinh.
– Bốn loài sán lá ruột hay gặp nhất là Fasciolopsis buskiHeterophyes heterophyesMetagonimus yokagawi và các loài Echinostoma.

Quan tâm: Cách phòng bệnh đau mắt đỏ cho trẻ em


2. Bệnh do sán lá ruột lớn Fasciolopsis buski
– Fasciolopsis buski, cũng gọi là sán bã trầu, là sán lá ruột lớn nhất ở người; lợn cũng là vật chủ động vật có vú. Nhiễm phổ biến ở Đông Nam Á và Viễn Đông, đặc biệt là ở các vùng nuôi lợn và tiêu thụ thực vật nước ngọt. Gọi là sán lá ruột lớn vì ở Việt Nam còn gặp sán lá ruột nhỏ hơn (sán lá ruột nhỏ – Haplochis spp.)
+ Tại London, George Busk lần đầu mô tả Fasciolopsis buski vào năm 1843 sau khi tìm thấy nó trong tá tràng của một thủy thủ. Sau nhiều năm nghiên cứu và tự thử nghiệm cẩn thận, năm 1925, Claude Heman Barlow đã xác định vòng đời của sán ở người.

Từ đó đến nay, bệnh lưu hành rộng rãi ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Ấn Độ.

Ở Thái Lan, bệnh lưu hành ở khu vực miền trung, nơi có mưa nhiều, ngập lụt dẫn đến nguồn nước bề mặt ô nhiễm phân. Bệnh cũng lưu hành ở những nơi dùng phân lợn hoặc phân người làm phân bón.

Tỷ lệ hiện mắc cao nhất ở những vùng canh tác, nhưng nơi quanh năm có các loại thực vật thủy sinh như rau cần, rau rút, kể cả củ ấu và có nhiều người thích ăn củ năng (mã thầy – water chestnuts).

Tỷ lệ hiện mắc tại cộng đồng nói chung lên tới 20%, nhất là ở trẻ 10-15 tuổi. Do tập quán ăn và chơi, trẻ em thường bị và bị nặng hơn người lớn [2].
+ Tại Việt Nam: thời gian từ năm 2000-2005, các nhà khoa học xác định sán lá ruột lớn F. buski có mặt tại 16 tỉnh, thành trong cả nước (Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đắc Lăk, Cần Thơ và An Giang.

Tỷ lệ nhiễm chung trung bình là 1.23% (0.16-3.82%). Sán lá ruột trưởng thành thu thập từ bệnh nhân khi điều tra tại 7 tỉnh, thành Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và An Giang đã được xác định loài là F. buski qua phương pháp hình thái học và sinh học phân tử.
– F. buski dài 2-7,5 cm và rộng 1-2 cm, dầy 0,5- 3 mm màu hồng đỏ, hấp khẩu miệng phía trước đầu, có đường kính 5-10 mm, hấp khẩu bụng có đường kính từ 1,5-2 mm. Trứng của sán là loại trứng lớn trong các loại trứng giun sán, có màu sẫm. Một con sán F. buski có tuổi thọ khoảng 1 năm, sán trưởng thành mỗi ngày có thể đẻ tới 25.000 trứng, trứng theo phân ra ngoài, phát triển trong nước ngọt, ao hồ, đồng ruộng. Sau khoảng 3 – 7 tuần, ấu trùng lông phát triển hoàn chỉnh trong trứng và thoát ra, di động, xâm nhập một số loài ốc và chuyển thành bào ấu.

Trong con ốc, sau 4 – 7 tuần, bào ấu phát triển nở thành rất nhiều ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời vỏ ốc, sống bám vào một số cây mọc dưới nước như củ ấu, bắp niễng, ngó sen, ngó khoai, rau muống, rau cần, rau rút… phát triển thành nang trùng.

Người và lợn ăn phải các loại cây thủy sinh có chứa các nang trùng này sẽ nhiễm bệnh. Trong cơ thể người hoặc lợn, nang trùng sẽ mất vỏ nang ở tá tràng vật chủ, bám vào ruột non để ký sinh và phát triển thành sán trưởng thành.

Thời gian từ khi xâm nhập đến khi thành sán trưởng thành khoảng 3 tháng [3]. Mùa mưa lũ, diện tích đồng ruộng bị ngập lụt tăng và các loại rau thủy sinh cũng tăng, nên nguy cơ người dân bị mắc bệnh sán lá ruột càng cao.

– Khi nhiễm sán lá ruột, sán có thể gây tổn thương tại ruột, chiếm thức ăn. Tại vết bám của sán có thể loét, niêm mạc ruột non thường bị phù nề và viêm, có thể lan xuống tận ruột già. Niêm mạc ruột có thể bị sùi và có những đám sung huyết. Ngoài những tổn thương tại ruột là nơi ký sinh của sán, những độc tố tiết ra từ sán sẽ gây rối loạn chung có thể làm phù nề toàn thân, tràn dịch màng ngoài tim, biến đổi tổ chức ở lách.

Bệnh nhân thường bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết cầu tố giảm, bạch cầu ái toan tăng lên (nhưng thường < 35%). Sau khi nhiễm sán 2 tuần, cơ thể người bệnh xuất hiện kháng thể kháng sán lá ruột trong huyết thanh

– Biểu hiện lâm sàng
+ Bệnh do F. buski thường không có triệu chứng. Thường xuất hiện triệu chứng khi nhiễm nặng (> 500 sán), khởi phát thường sau phơi nhiễm 30 đến 60 ngày.
+ Bệnh biểu hiện qua 3 giai đoạn: (1) Khởi phát với các triệu chứng mệt mỏi, giảm sút sức khỏe, thiếu máu. (2) Giai đoạn toàn phát người bệnh thấy đau bụng, thường đau âm ỉ ở vùng hạ vị, có thể có những cơn đau dữ dội, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thất thường, kéo dài nhiều tuần, phân lỏng, không có máu, nhưng có nhầy lẫn thức ăn không tiêu, bụng bị trướng, nhất là ở trẻ em.

Giai đoạn này dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác của đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt… (3) Ở người bệnh bị nhiễm sán nhiều và không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng với các triệu chứng: phù toàn thân, phù mặt, phù thành bụng, phù chân, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng rồi bệnh nhân có thể tử vong do suy kiệt. Nhiễm một số lượng lớn sán có thể dẫn đến tắc ruột hoặc thủng ruột.

– Chẩn đoán xác định khi thấy sán trưởng thành hoặc trứng trong phân hoặc các dịch cơ thể khác (ví dụ chất nôn, mật, dịch tá tràng, hoặc bệnh phẩm rửa dạ dày) (hình 2-4). Một số phương pháp chẩn đoán hiện có bao gồm soi trực tiếp phân, soi phong phú Kato-Katz, kỹ thuật lắng cặn hoặc kỹ thuật formalin-ethyl-acetate. Các kỹ thuật Kato-Katz và formalin-ethyl acetate được sử dụng phổ biến nhất và cho phép xác định số lượng nhiễm [4].

– Nguyên tắc điều trị:
+ Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
+ Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng bệnh nhân.
+ Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thậm, bệnh tâm thần…, cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.
+ Thuốc điều trị: thuốc lựa chọn là Praziquantel viên nén 600 mg liều 25 mg/kg/ngày trong 3 ngày hoặc uống một liều duy nhất 40 mg/kg sau khi ăn no. Tuy nhiên hiện nay chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá về hiệu quả điều trị. Có tài liệu cho liều duy nhất 15 mg/kg là đủ [5]. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo liều 25 mg/kg cho điều trị tất cả các sán đường ruột [6], trong khi tạp chí The Medical Letter ủng hộ liều 75 mg/kg (chia 3 liều trong ngày) [7].

– Phòng bệnh:
+ Cơ bản là diệt ốc, đây là vật chủ bắt buộc của sán lá ruột; thực hiện ăn chín, uống sôi; tuyên truyền người dân không ăn sống các loại rau thủy sinh như rau cần, rau muống, rau rút, rau ngổ… Quản lý phân, không bón trực tiếp phân chuồng, phân bắc vào các cây rau thủy sinh.
+ Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá ruột tại vùng lưu hành bệnh.
+ Kiểm tra vật nuôi (chủ yếu là lợn) nhập khẩu.

spot_img
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TIN MỚI NHẤT

spot_img
Đăng ký miễn phí

Tư vấn - Đo BMI - Thăm khám