Danh mục bài viết
Bữa sáng có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể, cung cấp năng lượng để bắt đầu một ngày mới và khởi động các cơ quan trong cơ thể. Các chuyên gia luôn khuyến cáo không nên coi bữa sáng là bữa ăn phụ và cần ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người ăn sáng qua loa hoặc dùng một số thực phẩm chưa hợp lý cho bữa sáng.
4 loại đồ ăn chuyên gia khuyên không dùng cho bữa sáng
TS.BS, chuyên gia dinh dưỡng Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, một số đồ ăn nhiều người hay sử dụng buổi sáng, dù giàu năng lượng nhưng lại không phải lựa chọn hợp lý. Thậm chí nếu thường xuyên sử dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.
Theo tư vấn của TS.BS Trương Hồng Sơn, một số thực phẩm dưới đây không nên dùng cho bữa sáng:
Các loại bánh ngọt
Thực tế cho thấy nhiều người thường hay sử dụng các loại đồ ngọt, trong đó có bánh ngọt cho bữa sáng. Một số hội thảo, hội nghị cũng thường lựa chọn các loại bánh ngọt để mọi người sử dụng vào buổi sáng trước khi bắt đầu chương trình.
Bác sĩ Sơn cho biết bánh ngọt được làm từ bột tinh chế, dầu thực vật, trứng và đường. Trong đó, chỉ có duy nhất trứng chứa các thành phần lành mạnh. Còn nhìn tổng thể, bánh ngọt cung cấp ít chất dinh dưỡng, ít chất xơ và nó có thể tăng lượng đường trong máu rất nhanh. Lượng đường trong máu tăng cao khiến bạn dễ đói nhanh nên thường ăn nhiều hơn vào bữa ăn tiếp theo, điều này có thể khiến chúng ta tăng cân.
Nước ép trái cây
Một số loại nước ép trái cây trên thị trường thực sự chứa rất ít nước trái cây và được làm ngọt bằng đường hoặc xi-rô ngô có hàm lượng đường cao. Nồng độ đường cao làm tăng nguy cơ béo phì, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường tuýp 2 và các bệnh khác.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo ngay cả với nước ép trái cây nguyên chất cũng chứa rất nhiều đường. Vì thế, uống một lượng lớn nước ép trái cây có tác động tương tự với cân nặng và sức khỏe của bạn như đồ uống có đường.
Uống nước ép trái cây khiến lượng đường trong máu tăng rất nhanh vì không có chất béo hoặc chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ. Sự tăng đột biến của insulin và giảm lượng đường trong máu có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, run rẩy và đói.
Ngũ cốc ăn liền
Đây là loại đồ ăn được không ít người sử dụng trong bữa sáng vì sự tiện lợi cũng như năng lượng mang lại khá nhiều. Thậm chí, nhiều trẻ em cũng được phụ huynh cho ăn ngũ cốc vào bữa sáng vì nghĩ rằng đây là đồ ăn bổ dưỡng. Bác sĩ Sơn cho biết chính sự quảng cáo thái quá đã khiến nhiều người nhầm lẫn và tin dùng.
Trong thực tế, những loại ngũ cốc này được chế biến và chỉ chứa một lượng nhỏ ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng được thêm vào một cách giả tạo trong quá trình sản xuất gọi là chất phụ gia. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ ăn ngũ cốc và những đứa trẻ không ăn ngũ cốc vào bữa sáng có cùng chức năng miễn dịch như nhau
Ngay cả các lựa chọn ngũ cốc “bổ dưỡng”, chẳng hạn như granola chứa yến mạch, cũng thường được nạp thêm đường. Đường cao có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và các tình trạng sức khỏe mãn tính khác.
Granola
Granola thường bao gồm yến mạch được cán nhỏ, một số loại quả hạnh, trái cây khô… Bác sĩ Sơn cho biết nhiều người nghĩ granola là lựa chọn bữa sáng tuyệt vời, nhưng chúng thường không tốt hơn một thanh kẹo. Mặc dù yến mạch chưa qua chế biến có nhiều chất xơ, nhưng thanh granola chỉ cung cấp trung bình 3 gam chất xơ và chúng chứa rất nhiều đường.
Trên thực tế, một số thương hiệu phổ biến nhất có sự kết hợp của đường, xi-rô ngô và mật ong. Một lượng lớn các loại đường này có thể làm tăng lượng đường trong máu, nồng độ insulin và tăng viêm. Granola đôi khi có chứa cả socola hoặc trái cây khô. Hàm lượng protein của Granola cũng có xu hướng thấp điều đó chứng tỏ chúng là một lựa chọn bữa sáng kém lành mạnh.